Nhiệt độ tăng cao được cho là nguyên nhân làm tăng số lượng gián đột biến. Thuốc diệt côn trùng không còn hiệu quả với chúng, khiến con người mệt mỏi tìm cách đối phó.
Theo Euro News, biến đổi khí hậu không chỉ gây ra sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng gián, mà còn thay đổi cấu trúc di truyền của chúng.
Nhiệt độ tăng cao làm gián “đột biến”
Tại Tây Ban Nha, tính đến thời điểm này, chính quyền báo cáo số lượng gián tăng khoảng 33% so với năm 2023. Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ nóng kỷ lục là nguyên nhân làm xuất hiện những con gián “đột biến” này.
Nhiệt độ tăng lên đồng nghĩa với chu trình trao đổi chất của gián tăng tốc. Điều này đặc biệt rõ ràng ở loài gián Đức, gây ra không ít lo ngại vì loài này rất phổ biến ở các gia đình và cơ sở kinh doanh thực phẩm.
Nhiệt độ nóng hơn mức trung bình cũng khiến mùa sinh sản của gián kéo dài hơn, đồng thời tăng khả năng kháng thuốc diệt côn trùng của chúng.
Tất cả những yếu tố này liên quan đến vấn đề sức khỏe cộng đồng rộng hơn và nghiêm trọng hơn. Nhiều người đã nhìn thấy gián xuất hiện thường xuyên hơn ở cả khu dân cư và cơ sở thương mại.
Jorge Galván, giám đốc Hiệp hội các doanh nghiệp Sức khỏe môi trường Quốc gia (ANECPLA), cho biết các chuyên gia lo ngại sự thay đổi di truyền này đang thách thức việc kiểm soát quần thể gián một cách hiệu quả. Khí hậu nóng lên cũng là “điều kiện lý tưởng cho việc ấp trứng”.
Carlos Pradera, giám đốc kỹ thuật tại Anticimex, một công ty kiểm soát sinh vật gây hại, nhận định rằng “con người càng chiến đấu với gián, sức chịu đựng và thích ứng của chúng càng tăng“, theo trang Murcia Today.
Không chỉ gián, các loài côn trùng khác như muỗi vằn cũng bắt đầu miễn nhiễm với những cách diệt côn trùng của con người.
Cần phương thức diệt côn trùng bền vững hơn
Tuy nhiên, những người làm công việc kiểm soát côn trùng đang cố gắng giải quyết tình trạng này, hướng đến sử dụng những phương pháp ít xâm lấn và bền vững hơn, từ việc cải thiện các biện pháp giữ vệ sinh đến dùng các loại bẫy cơ học.
Pradera cho rằng đây là “những giải pháp tốt nhất”. Các chuyên gia cũng xem cách này là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Gián Đức lần đầu tiên được phát hiện ở châu Âu vào thế kỷ 18 và được kiểm soát bằng nhiều phương pháp khác nhau, trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1990, việc xịt thuốc diệt côn trùng đã được thay thế bằng việc sử dụng “mồi ngọt” có chứa thuốc diệt côn trùng. Cách này giải phóng ít hóa chất gây hại cho môi trường hơn.
Tuy nhiên, các loài gián hiện nay ngày càng không nhạy cảm với cách diệt côn trùng này, có nghĩa là nhiều loài trong số chúng có thể sống sót, và sống dai hơn.
Gián có xu hướng thoát ra khỏi trạng thái ngủ đông khi mùa xuân đến gần. Theo WebMD, gián không chỉ có mùi hôi mà còn gây bệnh vì chúng di chuyển khắp nơi, trong khi trên cơ thể chúng chứa rất nhiều vi khuẩn.
Gián hoạt động mạnh nhất vào ban đêm. Vì vậy, nhiều người ngày càng thấy nhiều gián chạy quanh các biệt thự hoặc khách sạn tại Tây Ban Nha khi mặt trời lặn. Điều này không chỉ khiến người dân mệt mỏi, mà các du khách có kế hoạch đến Tây Ban Nha vào dịp hè cũng ái ngại.
Nguồn: https://khoahoc.tv/loai-gian-ngay-cang-nhieu-hon-dot-bien-va-khong-so-thuoc-133958