Vì sao ‘đội quân chân đất’ đánh bại Pháp ở Điện Biên Phủ?

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sức mạnh nội sinh của một dân tộc đã đồng cam cộng khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, theo đại tá Lê Thanh Bài.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), đại tá, tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, trả lời VnExpress về chiến lược giúp Việt Nam giành thắng lợi, ý nghĩa và bài học từ chiến dịch này.

– Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp vượt trội quân đội nhân dân Việt Nam cả về binh lực và hỏa lực. Việt Nam khắc chế điều này bằng chiến lược nào?

– Nguyên tắc của quân đội thực dân xâm lược luôn là đánh nhanh thắng nhanh. Chiến tranh kéo dài gây hao tổn kinh tế và bất ổn chính trị, ngoại giao. Vấp phải sự kháng cự của dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp đã không thực hiện được nguyên tắc này mà càng lún sâu vào thất bại. Kế hoạch của Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh ở Đông Dương, là nỗ lực cuối cùng của Pháp hòng rút ra khỏi chiến tranh trong danh dự. Phòng thủ không phải lựa chọn ban đầu, song cục diện trên chiến trường khiến suy tính của ông ta phải thay đổi.

Từ năm 1950, bộ đội ta liên tục giành thắng lợi lớn, như chiến dịch Biên giới; chiến dịch Hòa Bình 1951-1952. Chúng ta cơ bản giải phóng được vùng Tây Bắc, nối được căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc sang Thượng Lào và Liên khu 4. Chúng ta đẩy mạnh chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ và các địa phương vùng Pháp chiếm.

Biết Navarre muốn bình định vùng đã chiếm sau đó tập trung lực lượng để tiến công ta, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra chủ trương “cơ động, linh hoạt”. Đó là thế trận chiến tranh nhân dân, chủ động mở đòn tiến công, buộc Pháp phân tán lực lượng, dẫn đến kế hoạch Navarre bước đầu phá sản.

Đại tá Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự. Ảnh: Sơn Hà

Nhận tin báo Đại đoàn 316 tiến lên Tây Bắc, Navarre vội vàng lệnh cho 6 tiểu đoàn tinh nhuệ nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ. Như vậy từ không có trong kế hoạch của Navarre, Điện Biên Phủ lại trở thành tâm điểm của cuộc chiến. Cùng với đó ông ta nhận ra mình không thể chống đỡ tất cả đòn tấn công của quân đội nhân dân Việt Nam và buộc phải xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm, hy vọng thành cái bẫy để nghiền nát bộ đội Việt Minh.

Chứng kiến Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm tại Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đây là nghịch lý của chiến tranh. Thông thường, kẻ mạnh tấn công, kẻ yếu phòng ngự. Nhưng ở đây Pháp là bên mạnh nhưng lại chọn phòng ngự, trong khi quân Việt Minh yếu lại tấn công.

– Các tướng lĩnh, cố vấn quân sự của Pháp và Mỹ đều tin tưởng Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”. Dựa vào đâu để Việt Nam phá vỡ phòng tuyến của đối phương?

– Công trình phòng ngự của Pháp tại Điện Biên Phủ được tổ chức theo nguyên tắc hiện đại nhất. Navarre tin rằng pháo binh Việt Nam không thể đưa pháo 75 mm lên đỉnh núi cao quanh lòng chảo Điện Biên Phủ để có vị trí khai hỏa. Chúng ta sẽ nhanh chóng cạn kiệt vũ khí, đạn dược và lương thực khi bị chặt đứt đường tiếp tế. Chuyên gia quân sự phương Tây tính toán tướng Giáp cần thêm 100 xe tăng và một đội máy bay yểm hộ để đánh Điện Biên Phủ. Nhưng đó là điều không tưởng nên họ cho rằng tiến công đồng nghĩa với tự sát.

Tuy nhiên, người Pháp đã không tính đến yếu tố quan trọng nhất là con người. Họ không thể tưởng tượng chỉ bằng sức người, cùng tời quay, chúng ta đã đưa cả pháo 105 mm vượt qua những quãng đường lầy lội, đèo dốc tới 60 độ. Chỉ bằng đôi vai trần, những cuộn dây thừng, các chiến sĩ đưa được những khẩu pháo nặng hàng tấn nhích từng mét. Nhiều người đã ngã xuống trong khi kéo pháo. Chỉ có lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí chiến đấu vì độc lập tự do mới tạo nên sức mạnh “chân đồng vai sắt” để hoàn thành nhiệm vụ.

Tư duy quân sự của Navarre, nói rộng ra là phương Tây, đã không tính được sức mạnh của chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến có sức mạnh của toàn dân, sức mạnh nằm ở tinh thần và ý chí. Trong khi các nhà quân sự phương Tây tính toán dựa đơn thuần trên quân số và súng đạn. Navarre là tướng tài, được đào tạo bài bản. Nhưng không có một trường lớp hay một tài liệu quân sự nào khái quát được đường lối “chiến tranh nhân dân” và những vận dụng sáng tạo của quân đội ta.

 Nhìn lại chiến dịch 70 năm trước, theo ông điều gì khiến Pháp bất ngờ nhất?

– Bất ngờ nhất với Pháp là vấn đề bảo đảm hậu cần cho chiến dịch. Họ không ngờ cùng với các đơn vị tiến quân lên Điện Biên Phủ, chúng ta huy động được hàng chục nghìn thanh niên xung phong, phối hợp với công binh mở hàng trăm km đường. 261.500 dân công với gần 20 triệu ngày công phục vụ chiến dịch, vận chuyển hơn 25.000 tấn gạo, 1.200 tấn đạn, 1.700 tấn xăng dầu. Số hàng hóa bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch, trong đó 53.830 là bộ đội chủ lực.

Bộ chỉ huy quân Pháp nghĩ đã làm chủ hoàn toàn trên không lẫn mặt đất khi áp đảo về số lượng máy bay, xe tăng, pháo binh. Nhưng chỉ bằng công cụ thô sơ, bộ đội Việt Nam lại tiến sâu, đánh họ từ trong lòng đất. Hệ thống giao thông hào dài trăm km, dần tiến dần vào lòng chảo, đã chia cắt sự liên hoàn các cứ điểm ở Điện Biên Phủ và trở thành “thòng lọng” thít chặt. Cách đánh này đã hạn chế được ưu thế về mặt quân sự của đối phương, bảo đảm đánh lâu dài, tiến chắc, đánh chắc.

Và cuối cùng là cách bố trí trận địa pháo một cách khoa học và bài bản. Như đã nói ở trên, người Pháp không tính đến việc chúng ta có thể kéo pháo lên chiếm lĩnh điểm cao thuận lợi. Việc kéo pháo không chỉ diễn ra một mà nhiều lần, bố trí lại trận địa để làm sao hiệu quả nhất. Không có máy bay và xe tăng, song hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh và pháo binh của ta vô cùng hiệu quả.

Charles Piroth, Chỉ huy pháo binh của Pháp ở trận Điện Biên Phủ, từng tuyên bố “tôi sẽ không để pháo của Việt Minh bắn quá ba phát”. Chỉ cần pháo của ta lộ vị trí là bị tiêu diệt. Thực tế chiến trường lại chứng minh điều ngược lại. Pháo binh Việt Nam bắn với tỷ lệ chính xác rất cao, liên tục hạ các mục tiêu trọng yếu của Pháp. Kết cục viên chỉ huy đầy kinh nghiệm phải tự vẫn.

Bộ đội công binh mở đường lên Điện Biên Phủ. Ảnh: Triệu Đại

– Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa thế nào trong chặng đường giành độc lập của Việt Nam cũng như các nước thuộc địa trên thế giới?

– Đây là thắng lợi to lớn nhất để kết thúc kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh dấu chấm hết 100 năm đô hộ của họ với nước ta. Sự kiện này cũng là bước dài trên chặng đường đi đến thống nhất nước nhà. Thắng lợi đó thể hiện được sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, tiến hành cuộc kháng chiến được gọi là “thần thánh”.

Với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, chiến dịch Điện Biên Phủ là đột phá, đánh dấu lần đầu tiên một dân tộc thuộc địa đánh bại đế quốc xâm lược. Điều đó đã khích lệ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới phát triển mạnh, đặc biệt ở châu Phi. Sự kiện này như phát súng để 17 nước châu Phi đồng loạt đứng lên giành độc lập. Thắng lợi ở Điện Biên Phủ chứng tỏ tính chính nghĩa và tinh thần đấu tranh vì độc lập tự do luôn giành thắng lợi.

– Từ chiến thắng Điện Biên Phủ, bài học nào vẫn còn giá trị trong thời đại ngày nay?

– Chiến thắng Điện Biên Phủ được tạo nên một phần nhờ niềm tin mạnh mẽ kháng chiến nhất định thắng lợi trong toàn quân, toàn dân. Việc giáo dục chính trị trước và trong huấn luyện đã khắc sâu vào ý thức hệ về lòng căm thù quân địch. Người lính được trui rèn về bản lĩnh, trí tuệ, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, quyết sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị và trực tiếp là Tổng tư lệnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây chính là minh chứng quý giá về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là trong hàng ngũ quân đội.

Việc kiên quyết thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” thể hiện sự sắc sảo, nhạy bén của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quyết định dựa trên cơ sở khoa học, xem xét khách quan, toàn diện cục diện chiến trường, đồng thời thể hiện ý chí quyết tâm, trách nhiệm cao trước lịch sử, trước sinh mệnh cán bộ, chiến sĩ của người chỉ huy.

Tướng De Castries (giữa, hàng trên) và Bộ Tham mưu quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ bị Việt Minh bắt. Ảnh: TTXVN

Để đi được đến trận Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã trải qua hơn 8 năm kháng chiến, đi từ không đến có. Từ đội quân chân đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là “Quân đội ta là một quân đội thơ ấu. Tinh thần dũng cảm có thừa, nhưng thiếu vũ khí, thiếu kinh nghiệm, thiếu cán bộ, thiếu mọi mặt”. Triệt để thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, vừa đánh giặc vừa xây dựng lực lượng, củng cố tiềm lực kháng chiến, bộ đội đã lấy chiến trường làm nơi rèn luyện và kiểm nghiệm thực tế. Sau mỗi trận đánh, từ tướng lĩnh đến toàn quân đều phải nghiên cứu, tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Kháng chiến không thể đi tới thắng lợi nếu không có sự ủng hộ, hỗ trợ từ Trung Quốc, Liên Xô và cộng đồng quốc tế tiến bộ. Tuy nhiên, sức mạnh nội lực vẫn luôn là quan trọng nhất đối với một dân tộc đứng lên giành độc lập. Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ sức mạnh nội sinh của một dân tộc đã đồng cam cộng khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng, từng bước đánh bại các kế hoạch chiến tranh của thực dân Pháp.

Nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-doi-quan-chan-dat-danh-bai-phap-o-dien-bien-phu-4730385.html