Sắp xử phúc thẩm cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long

HÀ NỘI – TAND Cấp cao dự kiến xử phúc thẩm xét kháng cáo của cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về việc giảm nhẹ án tù 18 năm, từ ngày 15 đến 17/5.

Ngoài ông Long còn có 12 bị cáo khác kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND Hà Nội tuyên hồi tháng 1.

Trong đó, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á Phan Quốc Việt xin giảm nhẹ hình phạt 29 năm tù; cựu giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến xin giảm nhẹ án sơ thẩm 13 năm tù; cựu vụ phó Bộ Khoa học và Công nghệ Trịnh Thanh Hùng (sơ thẩm 14 năm); cựu vụ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên (7 năm) và hai giám đốc Công ty VNDAT Nguyễn Trường Giang (2 năm 6 tháng tù) và Nguyễn Thị Thúy (2 năm 4 tháng tù).

Cựu bộ trưởng y tế Nguyễn Thanh Long tại phiên sơ thẩm hồi tháng 1. Ảnh: Ngọc Thành.

3 người kháng cáo xin hưởng án treo là Ngụy Thị Hậu, cựu phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang và Trần Thị Hồng, nhân viên Việt Á, cùng bị tòa sơ thẩm phạt 2 năm 6 tháng tù; Lê Hồng Xuyên, cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương, bị phạt 2 năm tù.

Phó tổng giám đốc Việt Á Vũ Đình Hiệp (15 năm tù) kháng cáo xin đánh giá lại tội danh. Cựu phó phòng Tài chính Kế toán, CDC tỉnh Bình Dương Trần Thanh Phong xin xem xét lại hình phạt 2 năm tù treo.

Ngoài ra, Công ty Việt Á kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán kit xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không liên quan vụ án.

Việt Á cũng yêu cầu các tổ chức mua kit xét nghiệm mà không qua thủ tục đấu thầu phải thanh toán tiền cho doanh nghiệp theo như hợp đồng đã ký kết; đề nghị hủy bỏ các biện pháp phong tỏa và hạn chế giao dịch với các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp này và các công ty trong hệ thống của Việt Á không liên quan đến vụ án…

Mẹ và vợ của Phan Quốc Việt cùng kháng cáo đề nghị hủy bỏ kê biên phong tỏa 54 sổ tiết kiệm, tổng cộng 432 tỷ đồng đứng tên họ, bị cấp sơ thẩm đánh giá “đều là tài sản có được từ việc bán kit test xét nghiệm của Việt Á”, tuyên tiếp tục kê biên đảm bảo thi hành án cùng các tài sản khác của bị cáo Việt.

26 bị cáo còn lại không kháng cáo, trong đó có cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng (sơ thẩm 5 năm); cựu giám đốc CDC tỉnh Bắc Giang Lâm Văn Tuấn (5 năm); cựu giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương Phạm Mạnh Cường (4 năm); cựu bộ trưởng và cựu thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc (cùng 3 năm).

Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt tại Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội, tháng 12/2023, trong vụ án liên quan 4 cựu sĩ quan Học viện Quân y. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo án sơ thẩm, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, nắm bắt chủ trương của Chính phủ về nghiên cứu sinh phẩm phục vụ phòng chống dịch, Việt tìm cách để Việt Á được thực hiện đề tài cùng Học viện Quân y. Việt sau đó biến sản phẩm nghiên cứu do Nhà nước sở hữu thành của công ty.

Việt đã hối lộ một số quan chức bộ ngành, địa phương, tổng 82 tỷ đồng, để Việt Á được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, hiệp thương kit test với giá 470.000 đồng (gấp 3 lần quy định). Tính đến trước khi vụ án bị phát giác, Việt Á được nhà nước thanh toán gần 6 triệu kit test, tổng hơn 2.250 tỷ đồng. Từ đó, hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị cơ quan điều tra xác định là “hưởng lợi bất chính”.

Nguồn: https://vnexpress.net/sap-xu-phuc-tham-cuu-bo-truong-y-te-nguyen-thanh-long-4741779.html