Trong bối cảnh Pháp có khả năng thua đau ở Điện Biên Phủ, người Mỹ có kế hoạch gì để giải vây cho đồng minh của mình? Tại sao “Chiến dịch Kền Kền” vẫn chỉ nằm trên giấy?
“Chiến dịch Kền kền”
Trong bài viết “Điện Biên Phủ” đăng trên Tạp chí Air & Space Forces của Hiệp hội Lực lượng Không quân và Vũ trụ Mỹ, nữ tác giả Rebecca Grant viết, trong chuyến thăm Mỹ của Tham mưu trưởng thứ nhất Quốc phòng Pháp Ely, một kế hoạch táo bạo mang tên “Chiến dịch Kền kền” đã được thảo luận nhằm giải vây cho quân Pháp đang bị vây hãm tại Điện Biên Phủ.
Theo đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Mỹ, ngày 25-3, tướng Ely chuẩn bị quay về Paris. Tuy nhiên, Ely đã quyết định nán lại thêm một ngày vào phút chót sau khi nghe lời đề nghị từ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Đô đốc Radford. Theo vị này, một cuộc họp quan trọng của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) sẽ diễn ra vào hôm đó.
Sau cuộc họp của NSC, tướng Ely đã có cuộc đối thoại quan trọng với Đô đốc Radford. Tại đây, viên chỉ huy người Mỹ hỏi tướng Ely rằng chính phủ Pháp có cân nhắc việc yêu cầu Mỹ can thiệp vào các khu vực lân cận Điện Biên Phủ hay không. Ely trả lời rằng ông đã được Bộ trưởng Quốc phòng Pháp chỉ thị nêu vấn đề về sự can thiệp của Mỹ, nên rõ ràng là Pháp đã dự tính đưa ra yêu cầu như vậy. Đô đốc Radford đề xuất với tướng Ely rằng Mỹ có thể tiến hành các cuộc không kích chiến thuật để giúp và có thể là cứu nguy cho lực lượng Pháp đang bị vây hãm tại Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bất chấp phản ứng có thể xảy ra từ phía Trung Quốc.
Đề xuất này của Radford sau này được biết đến với tên gọi “Chiến dịch Kền kền”, trong đó chỉ huy người Mỹ đề nghị sẽ tung khoảng 60 máy bay ném bom hạng nặng B-26 của Mỹ từ căn cứ Clark Field, gần thủ đô Manila của Philippines, tiến hành nhiều cuộc oanh kích ban đêm xuống Điện Biên Phủ. Mỗi đêm, Mỹ sẽ dội 450 tấn bom để phá vỡ vòng vây và phá hủy vũ khí của Việt Minh. Các “siêu pháo đài” B-26 này sẽ được hỗ trợ bởi 150 chiến đấu cơ cất cánh từ các tàu sân bay Essex và Boxer của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ từ Vịnh Bắc Bộ. Nhiệm vụ là tấn công các cơ sở của Việt Minh xung quanh Điện Biên Phủ cũng như hệ thống liên lạc và phòng không của đối phương trên khắp Đông Dương, từ đó làm suy yếu ý chí chiến đấu của quân ta.
Đặc biệt hơn, khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật cũng đã được bàn tới. Không kích sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được thực hiện bằng máy bay B-29, B-36 và B-47, thậm chí cả máy bay của Hải quân Mỹ. Trong bài viết của mình, tác giả Rebecca Grant đã nhấn mạnh rằng, “Chiến dịch Kền kền” đã được xem xét một cách nghiêm túc. Tác giả viết: “Sau chuyến thăm của tướng Ely, ông tâm sự với Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles rằng ông sẽ “không loại trừ hoàn toàn khả năng xảy ra một “cuộc tấn công duy nhất” (ý nói dùng vũ khí hạt nhân), nếu điều này có thể mang lại kết quả mang tính quyết định’”.
Sau khi trở về Pháp, Ely báo cáo với Thủ tướng rằng hai bên đã đạt được “thỏa thuận hoàn toàn về mọi vấn đề”. Ngày 29-3, các nhà lãnh đạo Pháp đã nhóm họp để thảo luận về hệ quả có thể có trên các mặt của “Chiến dịch Kền kền”. Người Pháp cho rằng, Trung Quốc có thể coi đây một hành động can thiệp trực tiếp vào Đông Dương và có thể sẽ phản ứng mạnh. Tuy nhiên, các quan chức Pháp quyết định rằng họ sẽ chấp nhận rủi ro đó. Khi được thông báo về đề xuất của Radford, Navarre cũng cũng tán thành hành động này và tin rằng một số cuộc không kích sẽ phá hủy các trận địa pháo và hệ thống phòng không của đối phương, từ đó sẽ giúp hóa giải tình hình.
Kế hoạch can thiệp thất bại
Trong khi các nhà lãnh đạo Pháp khấp khởi chờ đợi “Chiến dịch Kền kền” được tiến hành, đề xuất của Radford vấp phải sự phản đối gay gắt từ các thành viên khác trong NSC và Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS).
Theo đó, ngày 29-3, Đô đốc Radford gửi một báo cáo tới NSC, trong đó ông tóm tắt cuộc gặp với tướng Ely và kêu gọi sự ủng hộ cho kế hoạch can thiệp vào Đông Dương. Lạ một điều là trong bản báo cáo này, Radford không nhắc gì đến “Chiến dịch Kền kền”. Tuy nhiên, trong khóa luận tốt nghiệp chương trình thạc sĩ với tiêu đề “Tại sao các lực lượng Mỹ không can thiệp vào Điện Biên Phủ?” (dựa vào các tài liệu đã giải mật), Đại úy Jonathan Edward Fair (Bộ Không quân Mỹ) viết: “Mặc dù không đề cập đến bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến ‘Chiến dịch Kền kền’ trong báo cáo của mình, nhưng người ta có thể suy luận rằng việc sử dụng cụm từ ‘hành động như vậy’ có nghĩa là có khả năng người ta sẽ thực hiện kế hoạch có tên gọi “Kền kền’”.
Báo cáo này cũng được Radford trình tại cuộc họp đặc biệt với JCS diễn ra cùng ngày nhằm thảo luận khả năng thực hiện một chiến dịch không kích ồ ạt vào Việt Nam. Tuy nhiên, đề xuất của Radford đã gặp phải sự phản đối từ tham mưu trưởng các lực lượng, trong đó có sự phản đối kịch liệt của Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Matthew B. Ridgway.
Dựa vào kinh nghiệm thực tế trong Chiến tranh Triều Tiên, viên tướng này nói rằng, chỉ riêng lực lượng không quân và hải quân là không đủ và lực lượng mặt đất yếu kém cũng không thể nào có được chiến thắng. Ông nhấn mạnh cần phải gửi lực lượng bộ binh đủ mạnh đến Đông Dương và để giành được phần thắng, Mỹ cần phải chấp nhận con số thương vong lớn. Để chứng minh cho lập luận của mình, Ridgway đã cử nhóm chuyên gia gồm các kỹ sư, chuyên gia liên lạc, quân y và sĩ quan bộ binh giàu kinh nghiệm chiến đấu đi khảo sát mạng lưới đường bộ, đường sắt và đưa ra tính khả thi của việc vận chuyển tiếp viện. Tình hình thời tiết, lượng mưa cũng như các loại dịch bệnh cũng được nhóm nghiên cứu kỹ. Kết quả khảo sát trùng khớp với những gì mà Ridgway lo ngại.
Viên tham mưu trưởng này đã gửi một báo cáo cho Tổng thống Eisenhower và báo báo đó được cho là “đóng một vai trò đáng kể, và có lẽ là một phần mang tính chất quyết định” trong quyết định tiếp theo của Mỹ. Tướng Ridgway cũng đã thể hiện rõ quan điểm của mình tại cuộc gặp với tướng Ely tại nhà riêng của Đô đốc Radford vào ngày 20-3.
Theo gợi ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Wilson, Radford đã gặp các thành viên của JCS một lần nữa vào ngày 2-4. Tuy nhiên, kết quả không có nhiều thay đổi so với cuộc họp trước đó. Điều này báo hiệu số phận không mấy khả quan của “Chiến dịch Kền kền” cũng như kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ nhằm giải vây cho Pháp tại Điện Biên Phủ.
Sự kiện được cho là đánh dấu chấm hết cho “Chiến dịch Kền kền” diễn ra vào ngày 3-4 khi Dulles và Radford gặp các nhà lãnh đạo Quốc hội tại trụ sở Bộ Ngoại giao để kêu gọi sự ủng hộ đối với kế hoạch can thiệp. Sau khi lắng nghe “Chiến dịch Kền kền”, các nhà lập pháp đều lên tiếng phản đối với lý do không muốn đẩy Mỹ vào một cuộc xung đột khác kiểu như Chiến tranh Triều Tiên. Cuối cùng, kế hoạch can thiệp quân sự mà Radford đề xuất đã bị ngưng lại. Các thành viên Quốc hội chuyển sang cân nhắc kế hoạch ngoại giao mang tên “Hành động thống nhất” mà Dulles đưa ra và nói rằng sẽ chấp thuận nếu có được cam kết can thiệp rõ ràng từ các đồng minh, đặc biệt là Vương quốc Anh. Điều kiện nữa là Pháp phải hứa sẽ không rút khỏi cuộc chiến nếu Mỹ trực tiếp tham gia.
Trong khi đó, người Pháp vẫn tin rằng kế hoạch can thiệp quân sự của Mỹ vẫn sẽ diễn ra. Tình hình tại Điện Biên Phủ càng ngày càng xấu đi khi Việt Minh đã chiếm được 5 cứ điểm bảo vệ phía Đông của tập đoàn cứ điểm và một vị trí quan trọng ở phía Tây. Trong thế tuyệt vọng, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Georges Bidault đã đưa ra yêu cầu với Đại sứ Mỹ tại Pháp Dillon. Tại cuộc họp khẩn diễn ra vào tối 4-4, Bidault nói với Dillon rằng “sự can thiệp vũ trang ngay lập tức, sử dụng máy bay Mỹ tại Điện Biên Phủ là cần thiết để cứu vãn tình hình”. Tuy nhiên, mọi việc đã không diễn ra như người Pháp nghĩ.
Trong cuốn “Eisenhower: Soldier and President” (Tạm dịch: Eisenhower: Một người lính và một Tổng thống), tác giả Stephen E. Ambrose đã miêu tả tình hình như sau: “Sáng ngày 5-4, Dulles gọi điện cho Eisenhower để thông báo rằng người Pháp đã nói [với Đại sứ Mỹ tại Paris] rằng cảm nhận của họ là “Chiến dịch Kền kền” đã được thông qua và ám chỉ rằng họ mong đợi 2 hoặc 3 quả bom nguyên tử sẽ được sử dụng để chống lại Việt Minh. Eisenhower bảo Dulles nói với người Pháp… rằng họ chắc chắn đã hiểu lầm Radford”. Qua Đại sứ Mỹ tại Paris, người Pháp được thông báo rằng sự can thiệp đơn phương sẽ không thể thực hiện được.
Sau khi cân nhắc thiệt hại có thể xảy ra, tại cuộc họp báo diễn ra ngày 7-4, Tổng thống Eisenhower đã nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ không hành động một mình và “chốt hạ” sẽ không sử dụng bom nguyên tử chống lại người châu Á lần thứ hai trong vòng chưa đầy một thập kỷ. Trong những ngày sau đó, cả Dulles và Radford tiếp tục nỗ lực thuyết phục sự tham gia của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh Winston Churchill và Ngoại trưởng Anh Anthony Eden đều phản đối bất cứ sự can dự trực tiếp nào vào Đông Dương hay can thiệp bằng không quân vào Điện Biên Phủ. Cuối cùng, kế hoạch can thiệp của Mỹ vẫn chỉ nằm trên giấy và quân Pháp sau đó đã phải nhận thất bại tại Điện Biên Phủ. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định làm cho thực dân Pháp chấp nhận thất bại hoàn toàn tại Đông Dương và quay về nước trong cay đắng.
_____________
Nguồn: https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/ho-so/ho-so-mat-ke-hoach-my-ho-tro-phap-o-dien-bien-phu-ra-sao-phan-2-775586