Những thành cổ huyền thoại chìm dưới đáy biển

Những thành phố bí ẩn chìm sâu dưới đáy biển suốt hàng nghìn năm là minh chứng sự tồn tại của những nền văn minh đã biến mất với các giá trị văn hóa và trí tuệ của người xưa. Chúng vẫn chứa đựng nhiều câu hỏi đang chờ được giải đáp.

“THÀNH PHỐ TỘI LỖI” PORT ROYAL, JAMAICA

Được xây dựng từ năm 1518 với 4 pháo đài và 2.000 tòa nhà, thành phố Port Royal là một trung tâm thương mại nhộn nhịp của vùng biển Caribbean, đồng thời là trụ sở của chính quyền Anh tại Jamaica. Vào thế kỷ XVII, Port Royal là một trong những “thành phố tội lỗi” nổi tiếng nhất thế giới với những cuộc hoan lạc thâu đêm suốt sáng. Những tên cướp biển nổi tiếng như Râu Đen thường dùng Port Royal thành căn cứ để đột kích các tàu chở hàng. Đến năm 1692, một trận động đất mạnh 7,5 độ richter đã khiến thành phố cảng sầm uất này bị sóng thần nuốt chửng vào lòng biển Caribbean với hơn 2.000 người chết. Truyền thuyết cho rằng đây là sự trừng phạt của thiên nhiên cho những tội lỗi của thành phố.

 

Giờ đây, khi lặn ở độ sâu hơn 12 m, chiêm ngưỡng những công trình gợi lên vẻ đẹp của quá khứ, du khách có thể gặp nhiều chuyên gia nghiên cứu vẫn đang cố gắng khám phá những bí ẩn của Port Royal. Nếu may mắn, thậm chí bạn có thể tìm thấy các kho báu hải tặc còn sót lại ở đây…

SƯ THÀNH – ATLANTIC CỦA TRUNG QUỐC

Hồ Thiên Đảo với rất nhiều các đảo lớn nhỏ khác nhau là một điểm đến thu hút du khách nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đặc biệt hơn, dưới lòng hồ còn ẩn chứa một thành phố cổ rộng lớn, kiến trúc đồ sộ đầy bí ẩn đã tồn tại hơn một nghìn năm.

Hồ Thiên Đảo

Thành phố cổ nằm sâu bên dưới hồ Thiên Đảo có tên là Sư Thành nằm ở Thuận An, Chiết Giang, được xây dựng từ thế kỷ thứ 2 thuộc thời nhà Đông Hán. Thành phố cổ này được xây dựng từ thời nhà Hán và trải rộng trên diện tích 62 sân bóng đá.

Dấu tích cổng Sư Thành vẫn còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc

Sư Thành đã trải qua hơn 1.300 năm lịch sử trước khi bị vùi sâu dưới làn nước của hồ Thiên Đảo vào năm 1959, khi chính quyền tiến hành xây dựng hồ nước cung cấp cho trạm thủy điện ở sông Tây An. Từ đó, Sư Thành kì vĩ với các kiến trúc lâu đời như thành trì, nhà ở, đền đài, đường phố đều bị vùi sâu dưới đáy hồ.

Một bức tượng sư tử được tìm thấy bên trong thành cổ, biểu tượng đặc trưng của văn hóa phương Đông

Năm 2001, các nhà khoa học với thiết bị khoa học hiện đại đã từng bước thực hiện các cuộc thám hiểm, nghiên cứu về Sư Thành. Theo các công bố, thành phố cổ được xây dựng với tường thành bao quanh, có 4 cổng thành để đi lại. Bên trong thành là những con phố, ngôi nhà, tòa tháp rộng lớn nằm ngay trung tâm của thành. Ngoài ra, những ngôi nhà thường tạc tượng sư tử và những bức điêu khắc rồng được chạm trổ tinh xảo, toát lên vẻ đẹp huyền bí. Đây chính là những giá trị về văn hóa để thu hút nhiều du khách.

Cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể vén hết tấm màn bí ẩn quanh công trình xây dựng này, nhưng Sư Thành, được coi là “thành phố Atlantis” của Trung Quốc, đã trở thành một trong những điểm đến nổi tiếng.

Ngày nay, Sư Thành gần như vẫn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn trước khi bị nhấn chìm, hầu như không bị nước tàn phá. Tỉnh Chiết Giang đang thực hiện dự án du lịch dưới nước để thu hút thêm khách du lịch đến tham quan và khám phá.

DWARKA, ẤN ĐỘ

Theo quan niệm dân gian, thành cổ Dwarka được cho là quê hương của thần Krishna (hóa thân thứ tám của thần Vishnu) với gần 70.000 cung điện bằng vàng, bạc, đá quý và các vật liệu xây dựng quý giá khác. Sự giàu sang của Dwarka được duy trì cho tới khi thần Krishna qua đời. Tàn tích về vùng đất huyền thoại này, được phát hiện vào năm 2000, chìm sâu dưới đáy đại dương thuộc vịnh Cambay (còn gọi Khambhat), thành phố Dwarka, bang Gujarat, phía tây Ấn Độ. Giới khoa học cho rằng Dwarka bị chìm xuống biển sâu sau một trận động đất dữ dội, bởi khu vực này nằm trong vùng có nguy cơ động đất cao.

Khung cảnh chân đền thờ còn sót lại của thành cổ Dwarka

Các tàn tích trải rộng 9 km dọc bờ một con sông cổ đại thuộc về một con đập có kích thước của một hồ bơi chuẩn Olympic, cầu thang bị sập gợi nhớ đến nhà tắm lớn Mohenjo-Daro của nền văn minh sông Hằng cùng nhiều nền móng nhà cửa, hệ thống thoáng nước, đường sá, các công cụ, đồ trang trí, mảnh vỡ đá bán quý, ngà voi…

Sự phức tạp về cấu trúc của thành phố đã gây trở ngại cho các chuyên gia trong nghiên cứu

Dwarka được đánh giá là một kho báu có giá trị về khảo cổ học nên luôn được giới nghiên cứu, khám phá về lịch sử hình thành, cuộc sống của người dân tại Dwarka cổ xưa. Theo nghiên cứu, thành phố cổ Dwarka được xây dựng và hoàn thành trong khoảng thời gian từ 9.000 năm đến 12.000 năm trước, ước tính dưới thời vua Pallava khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên. Ngày nay, khu di tích thành phố cổ Dwarka vẫn thu hút nhiều các nhà khảo cổ học đến nghiên cứu và khách du lịch đến khám phá.

KIM TỰ THÁP YONAGUNI JIMA, NHẬT BẢN

Các kim tự tháp Yonaguni Jima ở quần đảo Ryukyu, Nhật Bản có từ 10.000 năm trước Công nguyên là sáng tạo của con người hay thiên nhiên? Trong nhiều năm liền, các chuyên gia nghiên cứu trên thế giới vẫn duy trì các cuộc tranh luận bất tận vì không đồng thuận về nguồn gốc của đô thị dưới biển này. Họ mới chỉ đi đến kết luận rằng những cấu trúc này được tạo ra trong kỷ băng hà cuối cùng, khoảng 10.000 năm trước Công nguyên.

Năm 1985, Kihachiro Aratake, một nhà tổ chức lặn biển du lịch, quyết định tìm kiếm sự thật xung quanh những bàn tán của ngư dân địa phương về một cung điện chìm sâu dưới vùng biển cực nam đảo Yonaguni. Và anh đã tìm thấy nhiều tảng sa thạch dài 75 m, cao 25 m, nằm ở độ sâu 10 m, cách bờ biển khoảng 40 km, có hình dạng rất giống kim tự tháp của thổ dân châu Mỹ hay công trình tháp dùng làm đền thờ với nhiều tầng chồng lùi nhau như tại vùng Babylon.

Sau khi phát hiện, Kihachiro Aratake đã thông báo cho chính quyền địa phương, bắt đầu thu hút nhà khảo cổ học nghiên cứu về Yonaguni. Theo đó, khu di tích cổ này được cho là tàn tích của một nền văn minh cổ xưa vào thời đại đồ đá khi mà con người vẫn còn sử dụng các dụng cụ bằng đá, dùng chữ tượng hình.

Tham gia các hành trình lặn biển ở Yonaguni, du khách có thể ngắm san hô, quan sát các loài sinh vật đại dương đa dạng màu sắc đồng thời khám phá khu vực kim tự tháp Yonaguni Jima với những con đường, cầu thang… gợi hình ảnh một cung điện hay đền thờ lộng lẫy khi xưa.

Sau khi lặn xuống độ sâu 10 m, du khách sẽ bắt gặp những khối đá được điêu khắc thành các bậc cầu thang có góc cạnh vuông vức. Nhìn từ trên cao, Yonaguni được ví giống như phần móng của những kim tự tháp ở Ai Cập. Xung quanh là những lối đi được tạo thành bởi các vách đá theo từng tầng lớp khác nhau. Hiện nay, khu di tích cổ Yonaguni vẫn đang được các nhà khoa học nghiên cứu và giải mã những bí ẩn.

ANTIRHODOS – MỘT PHẦN CỦA ALEXANDRIA, AI CẬP

Thành phố chìm dưới nước Antirhodos được biết đến là một phần của thành phố Alexandria của Ai Cập ngày nay. Antirhodos được các nhà khảo cổ học phát hiện vào năm 1998 sau những nghiên cứu về một phần vùng đất bị chìm xuống biển của thành phố Alexandria. Hơn 140 hiện vật thu thập từ các cuộc khai quật cho thấy một quá khứ huy hoàng của nền văn minh Ai Cập. Các nhà khảo cổ cho biết họ đã phát hiện mộ phần Cleopatra trong đền thờ Isis bị chìm cùng các công trình trên.

Theo các nhà khảo cổ học, thành phố Alexandria đã được Alexander Đại đế cho xây dựng và thành lập vào năm 331 trước Công nguyên, trên bờ biển phía đông Ai Cập. Ngay từ khi được thành lập, Alexandria đã nhanh chóng trở thành một trong những thành phố sầm uất nhất của Ai Cập và khu vực Địa Trung Hải. Thành phố được xây dựng hiện đại với khu nhà dân, các tòa nhà kiến trúc đồ sộ, cung điện của nữ hoàng Cleopatra và các người tình của bà, đền thờ Isis và thư viện Serapis. Đặc biệt nhất, không ai không biết đến ngọn hải đăng thành phố Alexandria, một trong bảy kỳ quan của văn minh thế giới cổ đại.

Tượng Nữ hoàng Cleopatra

Theo các sử gia, những trận động đất cùng sóng thần hơn 1.500 năm trước đã khiến cho một phần của thành phố cổ Alexandria bị chìm sâu xuống biển. Theo thời gian vùng đất cổ của Ai Cập đã bị lãng quên bên dưới đại dương cho đến thế kỷ XIX, các nhà khoa học bắt đầu được tìm hiểu và nghiên cứu chuyên sâu về Ai Cập cổ đại và nữ hoàng Cleopatra.

Tượng Pharaoh vẫn còn giữ được nguyên vẹn

Ngày nay, khi lặn biển và khám phá Antirhodos, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy các bức tượng đồng về những nhân vật cổ đại nổi tiếng cũng như dấu tích của cung điện Cleopatra, đền thờ Isis đều mang những giá trị lịch sử cao. Theo nhận định của giới kinh doanh du lịch, nơi đây sẽ là một điểm đến phổ biến cho du lịch lặn biển trong tương lai khi nhiều hiện vật vẫn còn nguyên vẹn bất chấp thời gian nằm dưới biển.

Thời gian gần đây, chính quyền Ai Cập đã có kế hoạch biến thành phố cổ đại này thành một bảo tàng và các hành trình du lịch nơi đây cũng đang được xúc tiến.

PAVLOPETRI, HY LẠP

Chỉ cần lặn xuống độ sâu khoảng 4 m giữa bãi biển Pouda và đảo Pavlopetri thuộc Laconia, đông nam Peloponnese, Hy Lạp, bạn đã có thể nhìn thấy những ngôi nhà, những con đường lớn nhỏ, quảng trường và cả một nghĩa trang còn khá nguyên vẹn của thành phố cảng thời đại đồ đồng Pavlopetri nằm im lìm trong làn nước.

Pavlopetri được được Nicholas Flemming phát hiện vào năm 1967. Không ai biết tên của thành phố này. Pavlopetri là tên gọi sau này được đặt cho thành cổ. Các nhà khảo cổ học cho rằng nơi đây là một phần của triều đại Minoan đã bị phá hủy bởi động đất. Thành cổ Pavlopetri từng là một trong những đô thị phồn vinh nhất của vùng Địa Trung Hải, được xây dựng theo lối kiến trúc hiện đại gần như tương tự như ngày nay và được quy hoạch theo từng con đường, khu nhà ở riêng, có những ngôi đền theo kiến trúc La Mã.

Theo họ, dường như Pavlopetri bị bỏ hoang vào thế kỷ thứ 8 do nước biển dâng và là thành phố chìm dưới biển cổ nhất trên thế giới khi các hiện vật có niên đại ít nhất 2.800 năm trước Công nguyên. Hiện tại, Pavlopetri là di sản văn hóa dưới nước của UNESCO. Do vậy, công trình này vẫn được thành phố bảo vệ và bảo tồn theo đúng quy định. Hiện nay, thành phố Peloponnese cũng mở cửa đón khách du lịch tham quan, khám phá khu di tích thành cổ Pavlopetri.

BAIAE, Ý

Thành cổ Baiae từng được biết như Las Vegas của chế đế La Mã cổ đại. Thành phố này hiện nằm ngoài khơi vịnh Napoli, Ý và cách Roma khoảng 240 km. Baiae được hành thành từ khoảng đầu thế kỷ VII trước Công nguyên với nhiều lâu đài, khu vui chơi, khu phố sầm uất. Đặc biệt, theo nhiều ghi chép về thành cổ Baiae thì có nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng thời cổ đại như đại đế Caesar, bạo chúa Nero, triết gia Cicero… đã từng đến đây, chứng minh sự vượt trội của Baiae so với Capri, Pompeii và Herculaneum trong vị thế là một thành phố nghỉ dưỡng của giới quý tộc La Mã.

Nền cung điện được lát đá với hoa văn đặc sắc của thành phố Baiae

Thời kỳ hưng thịnh của Baiae chấm dứt vào thế kỷ thứ VIII, khi quân Saracen chiếm đóng khiến cho nơi đây trở nên hoang vắng. Sau nhiều trận động đất do núi lửa hoạt động, Baiae chìm sâu xuống vịnh Napoli.

Ngày nay, các di tích của thành phố cổ Baiae còn sót lại dưới đại dương không nhiều nhưng vẫn thu hút đông đảo khách du lịch đến khám phá. Du khách có thể dễ dàng nhìn thấy một số cột La Mã của lâu đài, đường lát đá với hoa văn tinh xảo ngay từ trên thuyền trong những ngày biển trong xanh. Vô số di tích khác như những bức tượng có niên đại từ thế kỷ I trước Công nguyên, các vật dụng thường nhật của cư dân cổ đại… chỉ ở độ sâu cách mặt biển vài mét.

 

Khi lặn sâu hơn xuống dưới, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức tượng tái hiện các vị thần, tượng của Ulysses và Octavia Claudia, chị gái của Hoàng đế Claudius hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những tác phẩm điêu khắc là bản sao của các bức tượng bên dưới đáy đại dương và một phần các hiện vật được trưng bày tại Viện quản lý Khảo cổ Campania.

Hiện hành trình tham quan thành phố dưới nước này đã được các công ty du lịch địa phương giới thiệu đến du khách.

 

Nguồn: https://vntravellive.com/nhung-thanh-pho-co-duoi-day-bien-d31246.html