Trò chuyện được xem là phương pháp tốt giúp trẻ phát triển trí não, gắn kết tình cảm giữa bố mẹ và con cái.
Skinner, giáo sư tại Đại học Harvard, cho biết, việc tiếp thu khả năng ngôn ngữ của trẻ là kết quả của sự kích thích và phản ứng từ môi trường xung quanh.
Một nghiên cứu của MIT năm 2018 cho thấy trong thời thơ ấu, bố mẹ thường xuyên giao tiếp với con sẽ có nhiều chất trắng hơn ở những vùng não chịu trách nhiệm phát ra ngôn ngữ so với những đứa trẻ hiếm khi giao tiếp.
Nói cách khác, trò chuyện thường xuyên với trẻ khi còn nhỏ có thể thúc đẩy sự phát triển trí não, cải thiện kỹ năng ngôn ngữ và diễn đạt, từ đó cải thiện mức IQ.
Đặc biệt, trẻ từ 0 đến 3 tuổi não bộ đang trong giai đoạn phát triển nhanh và có khả năng tiếp thu mạnh. Bố mẹ nên giao tiếp với trẻ nhiều hơn ở giai đoạn này, có thể áp dụng 3 cách sau đây.
Mô tả chi tiết hoạt động thường ngày
Khi trẻ tỉnh táo và trong tình trạng tốt, bố mẹ có thể tận dụng cơ hội để tương tác và giao tiếp với trẻ thông qua hình thức “phát sóng trực tiếp”. Điều này có thể được thực hiện bằng cách mô tả và giải thích những điều xung quanh, giúp trẻ hiểu và học thông qua trải nghiệm hàng ngày của mình.
Ví dụ, trong lúc trẻ đang ăn một quả táo, bố mẹ có thể nói chuyện và mô tả cho bé biết rằng “Đây là quả táo, nó có màu đỏ”. Hay khi thay tã, mẹ có thể gọi tên bé trước và nói “Đã đến lúc thay tã rồi, thay tã xong sẽ thấy thoải mái hơn. Bây giờ mẹ sẽ làm sạch và thay tã cho con nhé!”. Bằng cách này, trẻ sẽ nhận được thông điệp rõ ràng và biết trước về quá trình và kết quả của hoạt động mà mẹ đang thực hiện.
Hãy trò chuyện với trẻ về mọi thứ xung quanh, bằng cách đặt câu hỏi như “Cái gì đây?”, “Con có biết con mèo đang làm gì?”. Mẹ có thể mô tả mọi thứ cho con nghe một cách chi tiết, sử dụng từ ngữ đơn giản và truyền đạt thông tin theo cách dễ hiểu. Việc này giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ và hiểu biết về thế giới xung quanh một cách toàn diện.
Giao tiếp bằng mắt
Một nghiên cứu do Viện Khoa học Thần kinh Princeton ở Mỹ tiến hành đã cho thấy, giao tiếp bằng mắt có tác động đáng kể đến sự đồng bộ sóng não giữa trẻ sơ sinh và người lớn. Khi trẻ và người lớn liên tục giao tiếp với nhau bằng cách nhìn nhau vào mắt, sóng não của họ sẽ đồng bộ và hoạt động theo cách tương tự.
Điều này có nghĩa là khi nói chuyện và tập trung vào ánh mắt của trẻ, không chỉ tác động trực tiếp đến trẻ mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến não bộ của người lớn. Sự đồng bộ sóng não này mang lại lợi ích quan trọng cho việc học tập và phát triển trí não của trẻ.
Giao tiếp bằng mắt không chỉ giúp trẻ cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu từ người lớn mà còn tạo ra một môi trường giao tiếp giàu ý nghĩa và thông tin. Khi mẹ nói chuyện với bé, đọc truyện tranh hoặc ngâm nga nhạc cho con nghe, hãy nhớ quan sát và nhìn sâu vào mắt bé. Điều này giúp thiết lập một liên kết mạnh mẽ giữa mẹ và con, đồng thời khuyến khích sự tương tác và trao đổi thông tin giữa hai người.
Hãy mỉm cười khi nói chuyện
Trẻ từ 0 đến 3 tuổi, các khớp thần kinh của não phát triển bùng nổ. Chỉ trong 3 năm, não đã hoàn thiện được 80%. Sau đó, sự phát triển của khớp thần kinh sẽ giảm dần. Khi trò chuyện với trẻ, hãy nở một nụ cười để trẻ dễ dàng đọc được biểu cảm trên khuôn mặt, nhận biết cảm xúc và giao tiếp tốt hơn.
Trước thông tin mang cảm xúc, tạo ra phản ứng mạnh mẽ, nụ cười, giọng nói yêu thương của mẹ đều tác động kích thích bên ngoài lên não, từ đó cải thiện chức năng của não.
Theo một nghiên cứu của Đại học Harvard năm 2012, trẻ sinh non thường xuyên nghe mẹ nói sẽ phát triển ổn định và vỏ não thính giác cũng phát triển tốt hơn. Điều này cũng áp dụng cho trẻ sinh đủ tháng.
Giáo sư Li Meijin cũng cho biết, trẻ em từ 0-3 tuổi chủ yếu được nuôi dưỡng về mặt cảm xúc.Vì vậy, bố mẹ nên trở thành người “lắm mời” trong giai đoạn này, dùng những lời nói ấm áp, ảm xúc yêu thương, nụ cười sẽ tác động tích cực đến quá trình phát triển trí não ở trẻ.