Từng được coi là một trong những bộ lạc bị mất tích, người Koma, sống ở dãy núi Alantika, giáp ranh giữa Cameroon và Nigeria nhiều thế kỷ. Bộ lạc này cũng nổi tiếng với phong tục mặc lá thay quần áo.
Với tổng dân số khoảng 25.000 người, bộ lạc Koma được chia thành ba nhóm dân tộc nhỏ gồm: Beiyas và Damtis (sống ở vùng núi) và Vomnis (sống ở đồng bằng). Trong những thập kỷ gần đây, do nhiều yếu tố tác động, người Koma đã xuống núi ngày một nhiều.
Bộ lạc Koma từng là những người chăn nuôi gia súc. Ngày nay, họ là nông dân chủ yếu trồng kê, ngô và lạc. Trong xã hội của tộc này, phụ nữ có quyền lực lớn, kiểm soát các khu chuồng, trại.
Một trong những điểm “độc đáo nhất” của người Koma là họ không sử dụng trang phục bằng vải mà dùng lá thay thế. Phụ nữ Koma gần như khỏa thân, chỉ đeo cành lá để che đi vùng kín. Trên cổ người Koma thường đeo vòng làm từ những đồng xu cũ của Nigeria và Cameroon, kèm theo một số lá bùa bằng da.
Sau lễ trưởng thành, các cô gái đeo thêm những dải ruy băng màu đỏ, xanh hoặc trắng ở thắt lưng. Tuy nhiên, họ vẫn trung thành với trang phục bằng lá.
Người Koma cũng bôi trơn cơ thể bằng bột gỗ đàn hương trộn với dầu canarium và bôi lên tóc đất sét nâu trộn với dầu. Điều này mang lại cho mái tóc của họ vẻ ngoài vô cùng đặc biệt.
Bộ lạc người Koma theo thuyết vật linh và tin vào sự tồn tại của một vị thần tối cao, được gọi là Zum hoặc Nu. Họ cũng tôn thờ các vị thần địa phương như Kene, người phù hộ cho sức khỏe, sung túc và khả năng sinh sản.
Theo tạp chí African Leadership, phụ nữ Koma không muốn mặc quần áo bình thường vì sợ “cơn thịnh nộ của thần linh”. Tại một số chợ, nếu buộc phải mặc quần áo, họ sẽ chọn cách cuốn thêm giấy để che và bỏ ra trên đường về nhà.
Nhiều đơn vị tổ chức các tour khám phá bộ lạc ở Cameroon, Nigeria thường đưa khách tới tham quan nơi sống của người Koma. Các tour thường kéo dài khoảng 10 ngày, đi qua nhiều nơi và thăm những bộ lạc nổi tiếng như Koma, Bororo, Fulani Baka (tộc người lùn). Chi phí mỗi tour vào khoảng 5.000 USD một người.
Thông thường, du khách sẽ được cắm trại tại làng của người Koma để tìm hiểu về cuộc sống của họ.
Cho tới nay, Koma vẫn là một trong số ít nhóm người chưa tiếp nhận nền văn minh và vẫn trung thành với truyền thống cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc toàn cầu hóa sẽ tác động xấu đến những “đặc điểm nhận dạng” của nhóm người đặc biệt này.