Ngày 29-4, Trung Quốc cho biết, tàu vũ trụ Hằng Nga-6 của nước này chuẩn bị thực hiện chuyến đi khứ hồi tới vùng tối của Mặt trăng.
Đây là sứ mệnh đầu tiên trong ba sứ mệnh đòi hỏi kỹ thuật cao được triển khai trong 4 năm tới, nhằm mở đường cho cuộc đổ bộ đầu tiên của phi hành đoàn Trung Quốc vào năm 2030 và xây dựng một căn cứ trên cực Nam Mặt trăng.
Kể từ sứ mệnh Hằng Nga đầu tiên vào năm 2007, Trung Quốc đã có những bước nhảy vọt trong việc khám phá Mặt trăng, thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ và Nga.
Nhà thiết kế chính chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc Ngô Vĩ Nhân cho biết, tàu Hằng Nga-6 được phóng để thực hiện sứ mệnh lấy mẫu trên vùng tối của Mặt trăng và đem trở về Trái đất. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn xây dựng phiên bản của Trạm nghiên cứu Mặt trăng quốc tế.
Việc lấy mẫu của Hằng Nga-6 cũng có thể làm sáng tỏ hơn về quá trình tiến hóa ban đầu của Mặt trăng và hệ Mặt trời. Hằng Nga-6, sau khi hạ cánh thành công sẽ thu thập khoảng 2kg mẫu bằng máy xúc và máy khoan. Nếu thành công, sứ mệnh Hằng Nga-6 sẽ là một sự kiện đánh dấu mốc quan trọng đối với chương trình nghiên cứu không gian của Trung Quốc.
Sau đó, tàu Hằng Nga-7 sẽ được phóng vào khoảng năm 2026, thực hiện thăm dò tài nguyên và môi trường ở cực Nam Mặt trăng.
Tàu Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028 để thực hiện các thí nghiệm sử dụng tại chỗ tài nguyên Mặt trăng.
Ông Ngô Vĩ Nhân cũng tiết lộ, Trung Quốc có kế hoạch khởi động sứ mệnh Thiên Vấn-2 vào khoảng năm 2025, nhằm thực hiện chuyến bay thăm dò và đem về các mẫu vật từ một tiểu hành tinh nhỏ nằm cách Trái đất khoảng 40 triệu km. Khoảng năm 2030, Thiên Vấn-3 dự kiến sẽ được phóng để thực hiện sứ mệnh đem mẫu vật về từ sao Hỏa.
Ông Ngô Vĩ Nhân nhận định, với tiến độ hiện tại của các quốc gia trên thế giới, Trung Quốc có thể sẽ là quốc gia đầu tiên đem mẫu vật từ sao Hỏa trở về Trái đất.