Dù là ánh sáng của lửa, của bóng đèn hay từ ti vi, điện thoại, những con thiêu thân cũng không ngần ngại mà lao thẳng vào.
Trong thế giới tự nhiên, những loài vật còn tồn tại đến ngày nay là bởi chúng đã trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm tiến hóa để có thể thích nghi với cuộc sống của môi trường xung quanh.
Sự tiến hóa ở mỗi loài mỗi khác, tuy nhiên, nó dựa vào 2 mục địch chính: Kiếm ăn – Sinh tồn. Một số sẽ tối ưu hóa khả năng săn mồi của mình như tốc độ (báo), sức mạnh (hổ, sư tử) hay khả năng ngụy trang, nọc độc…
Cũng có những loài đơn giản chỉ cần tồn tại và hoàn thành sứ mệnh của tự nhiên là duy trì nói giống! Những loài như vậy có khả năng ẩn thân, ngụy trang hay cảm nhận nguy hiểm đáng kinh ngạc để trốn tránh kẻ thù.
Tuy vậy, dù là tiến hóa theo hướng nào, hầu hết trong số chúng đều phát triển theo hướng tối đa hóa khả năng sinh tồn trong thế giới tự nhiên, nói dễ hiểu là loài nào cũng cần sống sót. Tuy nhiên, có 1 số ít lại không giống như thế!
Điển hình có thể kể tới là loài thiêu thân. Chúng có tên khoa học là Ephemeroptera (loài phu du), thường xuất hiện chủ yếu vào mùa giao phối sau đó chết ngay.
Lý do chết của thiêu thân vô cùng đặc trưng, ngay từ tên gọi, chúng ta đã có thể hiểu phần nào. Chúng thường “bị” mê hoặc bởi ánh sáng vào lao vào đó, đối với những nguồn sáng như lửa hay đèn (tòa nhiệt cao), thiêu thân sẽ chết ngay lập tức.
Vậy vì sao biết là sẽ chết mà thiêu thân vẫn lao mình vào ánh sáng?
Thực tế, thời gian thiêu thân có thể bay lượn và sống trên bờ rất ngắn, chỉ khoảng vài giờ, đa phần vòng đời, chúng tồn tại ở dạng ấu trùng, sống dưới nước, thời gian này có thể kéo dài từ 1-3 năm!
Cho đến hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời chính xác nhất dù rất nhiều giả thiết, dự đoán đã được đưa ra. Cũng vì vậy, đây được coi là 1 trong những câu hỏi lớn nhất đối với các nhà côn trùng học.
1. Giả thiết về đôi mắt
Giả thiết lớn nhất và được nhiều nhà khoa học công nhận nhất vẫn đến từ đôi mắt của thiêu thân. Ông Saunders, giáo sư về côn trùng học tại Penn State, giải thích: “Những con thiêu thân thường sử dụng mặt trăng để định hướng trong suốt chuyến bay của mình vào đêm”.
Theo đó, mặt trăng được coi là vô cực quang học, tức là nguồn sáng đủ xa để các tia sáng đến Trái Đất song song với nhau. Thực sự, đó là 1 phương pháp điều hướng tuyệt vời bởi việc sử dụng ánh sáng từ mặt trăng làm gốc, chúng có thể di chuyển theo 1 hướng nhất định.
Nhưng “công nghệ“ này của lại có 1 thiếu sót chết người. Đó là việc, các nguồn ánh sáng nhân tạo, gần hơn, sáng hơn và thu hút hơn rất nhiều so với mặt trăng. Khi điều đó xuất hiện, những con thiêu thân sẽ gặp “bối rối” rất nhiều.
Những tia sáng đó đi vào 1 phần mắt của chúng, khiến cho hệ thống định hướng gặp nhiễu loạn. Từ đó, những con thiêu thân bị mất đi định hướng ban đầu (từ ánh sáng Mặt Trăng), bay theo hình xoắn ốc rồi dần dần đâm thẳng vào ngọn lửa.
2. Giả thiết về con cái
Bên cạnh lý do được đưa ra phía trên, nhiều nhà khoa học cũng có cách giải thích khác. Philip Callahan, nhà côn trùng học người Mỹ cho rằng: “Phổ ánh sáng hồng ngoại phát ra bởi một ngọn nến đang cháy có thể chứa tần số chính xác bằng với ánh sáng được phát ra từ 1 con cái, do đó những con đực gặp kích thích tố giới tính nên không ngần ngại mà lao tới”.
Điều đó lý giải rằng vì sao có rất nhiều con đực bỏ mạng dưới sức nóng của ngọn lửa. Tuy nhiên, giả thiết này vẫn còn khá nhiều lỗ hổng cũng như gặp phải kha khá ý kiến trái chiều.
Cho đến hiện tại, vẫn chưa thể tìm được nguyên nhân chính xác nhất, nhưng các nhà khoa học, đặc biệt là côn trùng học vẫn đang tiếp tục cuộc chiến của mình để có thể lý giải được hiện tượng tưởng chừng đơn giản song vô cùng bí ẩn này của thiên nhiên.
Giả thiết mới về lý do côn trùng thích lao vào ánh sáng
Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications đầu năm 2024, các tác giả tới từ Đại học Hoàng gia London đã phát hiện ra một hành vi bất ngờ của côn trùng. Đó là nhiều loài như bướm đêm hay chuồn chuồn luôn “quay lưng” về phía ánh sáng. Chúng thậm chí còn bay lộn ngược.
Dựa trên 477 video được ghi lại nhằm phân tích hành vi của côn trùng, các nhà nghiên cứu cho rằng một số loài côn trùng bay về phía ánh sáng như một cách để tự định hướng.
Tuy nhiên khi đặt ánh sáng ở sát mặt đất, một số loài côn trùng như đã đề cập, thậm chí đã bay lộn ngược và rơi xuống sàn. Điều này cho thấy chúng hoàn toàn bị mất phương hướng.
“Thông thường, ánh sáng có nghĩa là bay lên, và bóng tối nghĩa là đi xuống”, tác giả Avalon Owens cho biết. “Với ánh sáng nhân tạo, quy tắc này bị đảo lộn, và nơi côn trùng đi tới thực ra không phải nơi chúng mong muốn”.
Mặc dù thí nghiệm này đã hé lộ một phần rằng tại sao côn trùng thích ở gần ánh sáng, nhưng lại không giải thích được tại sao chúng tìm thấy ánh sáng ở khoảng cách xa, hay việc một số bị “mắc kẹt” trong ánh sáng này.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, bí mật này sẽ sớm được hé lộ nhờ vào công nghệ camera và các kỹ thuật phân tích nhạy bén hơn. “Con người chưa có được công cụ cần thiết để khám phá những câu hỏi này”, Owens nhấn mạnh.