Vật thể Tsuchinshan–ATLAS từng gây bối rối cho các nhà thiên văn đang trên đường tiến gần Trái đất.
Theo Space.com, vật thể mang tên C/2023 A3 hay Tsuchinshan–ATLAS, được phát hiện bởi Hệ thống Cảnh báo cuối cùng về tác động của tiểu hành tinh (ATLAS) ở Nam Phi vào ngày 22-2-2023.
Ban đầu Tsuchinshan–ATLAS được cho là một tiểu hành tinh nhưng quá trình phân tích những bức ảnh chi tiết hơn từ Đài thiên văn Núi Tím (Tsuchinshan) ở phía Đông TP Nam Kinh – Trung Quốc chụp được trước đó đã tiết lộ nó là một sao chổi.
Và nó đang tiến gần vùng trung tâm của Hệ Mặt trời, cũng là gần hơn với Trái đất.
Sao chổi Tsuchinshan–ATLAS từng gây thú vị cho các nhà thiên văn khi độ lệch tâm quỹ đạo cho thấy nó là vị khách chưa có tiền lệ từ đám mây Oort, một cấu trúc dạng vòng khổng lồ, chứa đầy vật thể băng giá và nằm ở rìa Hệ Mặt trời.
Giờ đây, vật thể bí ẩn này được dự đoán là có thể trở nên sáng bất thường trên bầu trời vào giai đoạn nó bay gần Trái đất.
Nó có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường vì độ sáng tương đương sao Kim, tức hành tinh mà dân gian vẫn hay gọi là sao Hôm, sao Mai.
Từ cuối tháng 7, Tsuchinshan–ATLAS sẽ bắt đầu tỏa sáng trên vùng trời phía Nam bán cầu.
Những người sống ở các địa điểm xa về phía Nam, chẳng hạn như Úc, New Zealand và Nam Mỹ sẽ có thể theo dõi nó bắt đầu “cạnh tranh” với sao Mai trên bầu trời lúc rạng sáng, trước khi Mặt trời mọc.
Vào ngày 8-10-2024, sao chổi này sẽ đạt độ sáng cực đại, tương đương với sao Kim.
Điểm cận nhật của vật thể đặc biệt này là ngày 27-9, trong khi 2 tuần sau đó, vào ngày 12-10, nó sẽ đến gần Trái đất nhất với khoảng cách là 71 triệu km.
Trong giai đoạn này, sao chổi có thể sáng lên cấp độ thứ hai hoặc thậm chí có thể là cấp độ thứ nhất trong thang đo độ sáng của sao chổi và có thể phát triển một cái đuôi đáng chú ý, có thể tạo nên cảnh tượng bắt mắt trên bầu trời buổi tối phía Tây.