Sau cơn mưa, mặt đất sẽ để lại một mùi rất tươi mới, nó làm cho chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và thoải mái. Nhưng bạn có biết rằng, “mùi mưa” này có thể giết chết chính bạn không? Thật vậy, bởi mưa đem theo các vi khuẩn (phần lớn là vô hại) vào không khí, nhưng trong một số trường hợp nó có thể làm lây lan một loại bệnh hiếm gặp có tỷ lệ tử vong cao. Các nhà khoa học mới đây đã hiểu được rõ ràng cách thức hoạt động của quá trình này.
Một nhóm các kỹ sư cơ khí đã xuất bản một bài báo trong tạp chí Nature , trong đó giải thích tại sao mà mùi của đất lại nhạy cảm với mũi của bạn đến vậy.
Một hóa chất gọi là geosmin chính là “tác giả” của mùi thơm theo sau những cơn mưa và lý luận về chúng được chấp nhận trong một thời gian. Cụ thể, phần lớn các loài cây tiết ra hợp chất geosmin, chất này sẽ kết hợp với xạ khuẩn – một loại vi khuẩn dạng sợi. Khi không khí khô, oi bức, xạ khuẩn tạo ra các bào tử. Cho tới khi trời mưa, những bào tử này vỡ ra, tựa như bình phun đưa phân tử mùi vào không khí.
“Mùi mưa” này thực sự dễ chịu, sảng khoái. Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể ngửi thấy mùi tương tự khi tưới cây trong khu vườn của mình. Tuy nồng độ geosmin trong không khí là rất nhỏ nhưng chất này đặc biệt nhạy cảm với mũi người. Chỉ cần nồng độ cỡ 5 phần 1.000 tỷ geosmin là khứu giác của ta cũng đã nhận biết được chúng.
Nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ được quá trình phát tán goesmin vào không khí bởi những giọt mưa. Hãng tin NPR có đoạn:
“Sử dụng camera tốc độ cao và chất nhuộm huỳnh quang, các nhà nghiên cứu đã quay lại cảnh giọt nước rơi giống như những giọt mưa rơi xuống các loại đất bị nhiễm khuẩn khác nhau. Họ quan sát được khi các giọt nước rơi xuống đất, những vi khuẩn bị bắn ngược lại vào trong không khí.
Khi giọt mưa rơi xuống mặt đất ở tốc độ thích hợp, nó tạo thành các bong bóng khí li ti bên dưới nó, mỗi bong bóng khí này chỉ lớn hơn tiết diện của sợi tóc người.
Giống như những bong bóng khí bị mắc kẹt bên dưới một bể nước, chúng sẽ trồi lên trên, cuối cùng vỡ tung ra khi lên đến bề mặt. Khi bong bóng nổ, chúng làm văng những hạt nước li ti vào không khí, một số trong đó mang theo cả vi khuẩn.”
Nhóm nghiên cứu tìm ra rằng mỗi giọt mưa tạo ra hàng trăm giọt nhỏ có đem theo hàng ngàn vi khuẩn sống. Những vi khuẩn này có khả năng tồn tại trong những giọt nhỏ khoảng một giờ. Một khi đã vào không khí, vi khuẩn sẽ được gió cuốn đi. Cullen Buie, một trong những nhà nghiên cứu của dự án, nói rằng bước tiếp theo sẽ là tìm hiểu xem liệu vi khuẩn có thể di chuyển được bao xa.
Vi khuẩn không phải là vấn đề lớn. Nó sẽ không làm tổn hại đến bạn, nhưng lý do mà Buie và cộng sự của cô bắt đầu nghiên cứu là bởi họ được các nhà khoa học người Anh liên lạc và chia sẻ mối quan tâm về sự lây lan của bệnh Melioidosis (nhiễm khuẩn ở người và động vật) trong suốt mùa mưa ở Đông Nam Á và miền Bắc nước Úc. Loại bệnh truyền nhiễm này có thể chữa khỏi nhưng nếu không có thuốc kháng sinh đặc trị thì khả năng gây tử vong của nó lên đến 90%.
Buie và các đồng nghiệp không phải là những nhà nghiên cứu đầu tiên thấy được sự liên quan giữa bệnh Melioidosis và những cơn mưa, nhưng họ đã giúp chúng ta hiểu biết thêm về quá trình lây lan của vi khuẩn. Họ cũng muốn nhận mạnh rằng bạn không nên quá lo lắng về căn bệnh hiếm gặp này. Đối với hầu hết mọi người, hãy cứ tận hưởng “mùi mưa” mà bạn yêu thích.
Tham khảo Gizmodo